Trong hành trình 30 năm phát triển, câu chuyện kinh doanh của Nam Long Group (HOSE: NLG) luôn được nhắc đến với sự thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để đưa đến những giá trị thiết thực. Từ cổ đông sáng lập cho đến thế hệ điều hành tiếp nối, công thức tăng trưởng dựa trên sự uy tín luôn được duy trì một cách xuyên suốt.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và cải tổ không ngừng, đến nay, một hệ sinh thái mới của Nam Long Group đã thành hình, mở ra kỷ nguyên kiến tạo giá trị mới. Trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tổng Giám đốc Nam Long Corp – ông Trần Xuân Ngọc đã có những chia sẻ về Tầm nhìn 2030 của doanh nghiệp. Trong đó, thế hệ “cải tiến” của Nam Long sẽ làm gì để kết nối với nền tảng lịch sử và viết tiếp khát vọng của tập đoàn trong kỷ nguyên mới?
Đầu tiên xin chúc mừng Nam Long Group đã có hành trình 30 năm phát triển với nhiều thành tựu lớn. Nhìn lại hành trình này, doanh nghiệp cũng đi qua nhiều giai đoạn khủng hoảng của thị trường. Dưới góc nhìn của thế hệ điều hành tiếp nối, theo ông đâu là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua?
Trong hành trình 30 năm này, những yếu tố tạo nên sự thành công của Nam Long là tầm nhìn của nhà sáng lập mà cụ thể là chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Xuân Quang để đưa một doanh nghiệp xây dựng trở thành nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Tầm nhìn này đã đặt ra một nền tảng vững chắc thông qua những sản phẩm giải quyết tốt nhu cầu của thị trường.
Tôi nhận nhiệm vụ ở Nam Long tương đối mới nhưng cũng đã cùng doanh nghiệp trải nghiệm những thách thức từ Covid-19 để hiểu về cách doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn biến động. Đó là cơ sở để tôi nhìn và tham chiếu cả hành trình dài để gắn mình vào giá trị lịch sử của doanh nghiệp.
Với tôi, sự đoàn kết cùng thái độ sẵn sàng đối đầu với thách thức của từng cá nhân luôn là động lực để tập đoàn tìm ra được giải pháp tốt. Một yếu tố quan trọng nữa là sự chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro từ các đối tác ngoại là nguồn năng lượng mới mẻ giúp chúng tôi vượt qua những thử thách một cách tự tin.
Nếu nhìn lại giai đoạn khủng hoảng trước đây, có thể thấy chiến lược nhà “vừa túi tiền” với thương hiệu EHome của Nam Long được coi là “password” để mở những nút thắt của thị trường. Vậy phiên bản tiếp theo của EHome sẽ là gì?
EHome chính là sản phẩm làm nên thương hiệu Nam Long và hiện nó vẫn đang là sản phẩm có giá trị mang tính biểu tượng của tập đoàn. Giá trị cốt lõi của EHome không chỉ đơn thuần ở các sản phẩm cụ thể mà chính là sự lan tỏa tinh thần giá hợp lý(affordable housing) trong tất cả phân khúc mà doanh nghiệp hướng đến. Căn hộ biệt lập Flora, nhà phố/biệt thự Valora – thế hệ tiếp theo đều là những dòng sản phẩm giá hợp lý và gặt hái thành công. Vì thế, dù trong xu thế mới, danh mục sản phẩm đã đa dạng hơn để thích ứng với chiến lược và nhu cầu thị trường thì đầu ra của sản phẩm đều hướng đến tiêu chí giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng của người Việt Nam. Nam Long dù bán nhà siêu sang vẫn là siêu sang ở mức hợp lý và xứng đáng nhất.
Được xem là người điều hành trong thế hệ “cải tiến” của Nam Long, vậy nhìn lại quá khứ thì đâu là giá trị mà ông cho rằng đóng vai trò kết giữa hai giai đoạn phát triển?
Nếu nhìn tổng quan, giá trị xuyên suốt 30 năm qua chính là sự uy tín và luôn tư duy lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 1992, Nam Long đã lựa chọn tôn chỉ “Uy tín – Chất lượng”. Chữ “Uy tín” đó đến ngày nay, sau 30 năm vẫn còn nguyên giá trị, kết nối giữa quá khứ và tương lai. Để phù hợp với tầm nhìn mới, chữ “Uy tín” được nâng tầm hơn và trở thành 1 trong 3 giá trị cốt lõi của tập đoàn. Trong quá khứ, Nam Long đã rất thành công trong việc hội nhập. Việc của tôi là duy trì và phát triển thêm năng lực đặc biệt này. Và không có điều gì thuyết phục hơn chính là sự Chuyên nghiệp và Uy tín.
Ông từng nhắc đến yếu tố hội nhập cao giúp tập đoàn vượt qua những thách thức, nhưng sự tham gia của các đối tác liệu rằng có “pha loãng” đi giá trị cốt lõi mà tập đoàn duy trì xuyên suốt ba thập niên qua không?
Sự tham gia của các đối tác ngoại chính là yếu tố thúc đẩy Nam Long mở ra một chặng đường phát triển mới. Điều này không ảnh hưởng gì đến giá trị cốt lõi khi các đối tác tôn trọng quan điểm và chia sẻ với tinh thần kinh doanh của chúng tôi. Tất cả đều cùng Nam Long hướng tới một tiêu chí khách hàng chung là người có nhu cầu ở thật và sản phẩm căn hộ giá hợp lý, để thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người Việt, vì Việt Nam phát triển. Sau chừng ấy thời gian đồng hành cùng nhau, tôi thấy đó là một sự hợp tác thành công và chuyên nghiệp.
Nếu nhìn nhận là sự hợp tác thành công thì ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những dấu ấn mà đối tác ngoại tạo được sau khi tham gia vào Nam Long hay không?
Ngoài việc đồng thuận về tư duy kinh doanh, phát triển sản phẩm thì sự hợp tác đang đem lại giá trị cộng hưởng cho đôi bên. Phía Nam Long sẽ học được quy trình quản lý chuyên nghiệp và tinh thần kỷ luật cao, ngược lại phía đối tác cũng hiểu được thị trường và khách hàng Việt Nam.
Dưới góc độ kinh doanh thì Nam Long cũng nhận được sự chia sẻ giá trị hợp lý. Đối tác Nhật Bản có nguồn vốn rẻ khi hợp tác thực hiện dự án giúp cho chi phí thấp hơn so với thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm đều mang được giá trị đặc trưng của Nhật Bản với chất lượng lẫn công năng ưu việt tạo nên hiệu ứng kinh doanh tốt hơn.
Chúng ta có thể thấy được dấu ấn của đối tác Nhật Bản thông qua dự án, sản phẩm, thương hiệu… tuy nhiên hệ sinh thái đối tác của chúng tôi còn mở rộng hơn nhiều. Tất cả đều đóng góp giá trị để chiến lược của doanh nghiệp cân bằng về lý tưởng và mục tiêu phát triển.
Có thể hiểu sự đồng thuận về tư duy của những nhân tố mới có phải là động lực để Nam Long đẩy mạnh việc tái cấu trúc tập đoàn trong thời gian qua?
Một dự án rất đặc biệt của Nam Long trong năm nay là Akari City chính thức ra mắt thị trường.
Dự án Mizuki Park thì mở bán các giai đoạn tiếp theo
Khu đô thị Izumi city đang dần hoàn thiện các phân khu đầu tiên
Đó là chuyển động tất yếu khi quy mô của doanh nghiệp đã được mở rộng. Sự hỗ trợ của các đối tác giúp chúng tôi tự tin hơn trong tiến trình tái cấu trúc, “miếng bánh” mà Nam Long tạo ra trên thị trường sẽ lớn hơn. Tái cấu trúc cùng các đối tác giúp chúng tôi tăng giá trị tuyệt đối, chia sẻ được rủi ro của dự án cũng như giảm tải được nguồn vốn. Hơn hết là chúng tôi muốn gắn hoạt động của mình với sự minh bạch.
Các dự án Nam Long đang triển khai mở bán như: Mizuki Park, Akari City, Waterpoint, Izumi City, Nam Long Cần Thơ, …..
Đó có phải là cơ sở để Nam Long có một bước tiến dài tạo nên vị thế của nhà phát triển bất động sản đạt được vốn hóa 1 tỉ đô la trong năm qua? Vậy mục tiêu tiếp theo sau tái cấu trúc là gì?
Chạm mốc 1 tỉ đô la vốn hóa là dấu ấn hết sức quan trọng của Nam Long trong suốt 30 năm phát triển. Đây là động lực rất lớn để bản thân tôi lẫn đội ngũ kế cận hướng tới việc xây dựng Tầm nhìn 2030 với con số vốn hóa đạt trên 3 tỉ đô la. Để đạt được mục tiêu này Nam Long cũng thay đổi về cơ cấu tổ chức cũng như là hệ sinh thái kinh doanh. Thay vì duy trì các đơn vị chức năng chúng tôi thay đổi thành ba đơn vị kinh doanh chính.
Trong đó đơn vị số 1 nhận nhiệm vụ phát triển quỹ đất. Đơn vị số 2 sẽ có nhiệm vụ phát triển dự án nhà ở và đô thị tích hợp, song song đó là các công ty dự án triển khai sự hợp tác của chúng tôi với các đối tác Nhật. Đơn vị thứ 3 tập trung vào phát triển bất động sản thương mại trong các khu đô thi tích hợp. Đây là đơn vị được đặt kỳ vọng tạo ra 15% tổng doanh thu về dòng thu nhập liên tục ổn định.
Với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh như vậy kỳ vọng của Nam Long sẽ hướng tới một Group Holdings trong tương lai.
Trong tầm nhìn 2030, mục tiêu trở thành nhà phát triển bất động sản tích hợp hàng đầu Việt Nam và khu vực, theo ông mục tiêu này có quá tham vọng không?
Tôi khẳng định đây không phải là một khẩu hiệu mà là một chiến lược nghiêm túc của cả tập thể dựa trên phân tích số liệu, nghiên cứu thị trường và được tư vấn cụ thể bởi những đơn vị hàng đầu trên thế giới về chiến lược và vận hành như McKinsey. Chúng tôi định hướng rõ được nhiệm vụ của từng giai đoạn phát triển trong tầm nhìn 2030. Đây không phải là tham vọng mà là khát vọng của chúng tôi dựa trên cơ sở thực tế để thực hiện được.
Vậy chiến lược phát triển quỹ đất của doanh nghiệp ra sao để đáp ứng cho mục tiêu này?
Quỹ đất hiện tại của chúng tôi hơn 681 hecta, và toàn bộ đều là quỹ đất sạch để sẵn sàng phát triển. Với tổng quỹ đất hiện có, nếu triển khai dự án trong một trạng thái lý tưởng thì mỗi năm có thể đem về 1 tỉ đô la doanh số tính từ nay cho đến 2026. Nhưng nếu không tăng thêm quỹ đất thì doanh thu có thể đi xuống sau đó, nên việc phát triển quỹ đất luôn là ưu tiên hàng đầu của Nam Long.
Đổi mới về quy mô và loại hình sản phẩm sẽ kéo theo những thay đổi về chiến lược tiếp cận khách hàng. Đâu là những khía cạnh quan trọng nhất về khách hàng mà Nam Long cần phải có sau đổi mới?
Với Nam Long chúng tôi không đơn thuần chỉ hiểu và tiếp cận khách hàng trên nhu cầu mà chúng tôi kinh doanh từ trong lòng khách hàng. Như tôi đã nói, xuyên suốt quá trình phát triển dự án, ở quy mô nào, phân khúc nào thì đầu ra sản phẩm cũng phải có mức giá hợp lý để đáp ứng đúng, đủ và vừa vặn với nhu cầu người mua. Việc chúng tôi đảm bảo tốt những giá trị này đã giúp chúng tôi duy trì được tệp khách hàng ổn định trong suốt 30 năm. Sự tôn trọng những giá trị, mục tiêu và nhu cầu của nhau là giá trị cốt lõi giúp chúng tôi mở rộng tệp khách hàng này một cách tự nhiên.
Nhìn ở góc độ thương hiệu doanh nghiệp sau tái cấu trúc, với ông đâu là những giá trị bất biến và đâu là yếu tố có thể thay đổi được?
Dù 30 năm trôi qua làm bất cứ sản phẩm nào, trải qua chặng đường phát triển nào thì chữ Tín vẫn là yếu tố quan trọng để kết nối cả lịch sử lẫn tương lai doanh nghiệp. Đây là giá trị bất biến.
Tinh thần sáng tạo, sẵn sàng đối diện và thích nghi với thị trường là những giá trị mà thương hiệu doanh nghiệp cần nâng cấp theo thời gian. Đó là sự phát triển của thương hiệu trong lòng khách hàng, đối tác sau những chặng đường phát triển của mình.
Xin cảm ơn ông!
Cập nhật thông tin mới nhất Khu đô thị Waterpoint tại Long An
(Nguồn: thesaigontimes.vn)